Ảnh hưởng của việc Xây dựng thương hiệu dự án sai
Ảnh hưởng của việc xây dựng thương hiệu dự án sai
CafeLand – Một dự án bất động sản có thương hiệu sẽ giúp cho việc kinh doanh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu bền vững là điều không đơn giản. Nếu sai lầm, chủ đầu tư có thể sẽ phải trả giá đắt. Xung quanh vấn đề này, PV CafeLand đã có cuộc trao đổi ngắn với Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tân – Giám đốc Chiến lược Công ty BrainMark
Thưa ông, tạo lập thương hiệu là vấn đề hàng đầu đối với doanh nghiệp hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào. Đối với bất động sản, thương hiệu chủ đầu tư và thương hiệu dự án có ý nghĩa như thế nào?
Thông thường, đối với các doanh nghiệp bất động sản việc xây dựng thương hiệu dự án do phòng kinh doanh, marketing của công ty đảm nhận. Hiện, các doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn trước nhiều, họ đi theo xu hướng thuê các công ty chuyên tư vấn phát triển thương hiệu tham gia ngay từ đầu. Cụ thể là bắt đầu ở giai đoạn thiết kế dự án.
Ví dụ, căn hộ của phân khúc đó có diện tích 70 m2 được rất nhiều người mua nhà ưa chuộng nhưng chủ đầu tư lại làm 90 m2 thì bộ phận làm thương hiệu truyền thông để bán dự án kiểu gì cũng rất khó bởi nhu cầu đó không phù hợp.
Muốn thành công thì bộ phận làm thương hiệu dự án phải tham gia ngay từ đầu, trước cả khâu thiết kế để đưa ra yêu cầu cho thiết kế và xây dựng định vị dự án, chiến lược giá bán,… Đợi nhà xây lên rồi mới đi truyền thông là sai lầm, bộ phận thương hiệu làm truyền thông rất khó khăn, còn nhân viên kinh doanh có thể bán hàng không được.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tân – Giám đốc Chiến lược Công ty BrainMark
Riêng các dự án mới xuất hiện trên thị trường và chưa có thương hiệu, người mua nhà hoàn toàn chưa biết đến chủ đầu tư và sản phẩm thì việc xây dựng thương hiệu sẽ khó khăn hơn nhiều?
– Đúng. Đối với những chủ đầu tư mới xuất hiện trên thị trường, họ không kế thừa giá trị kinh nghiệm hay uy tín của thương hiệu trước đó nên việc này có ít thuận lợi hơn. Để thành công, họ bắt buộc phải làm đúng quy trình.
Một việc quan trọng nữa trong việc xây dựng thương hiệu dự án mới là phải tạo được lý do tin tưởng dự án nơi khách hàng. Có thể thực hiện điều này dựa trên uy tín của các đối tác, đơn vị tham gia thực hiện dự án như nhà thầu thi công, đơn vị thiết kế, công ty phân phối hay quản lý đã có danh tiếng trên thị trường.
Một số ý kiến cho rằng, để xây dựng thương hiệu dự án nhanh chóng thì quảng cáo liên tục là biện pháp tối ưu. Ông có cho rằng cách làm này thực sự hiệu quả?
– Tôi không đánh giá cao cách làm đó. Đây là cách vứt tiền. Dội bom nhưng quan trọng thông điệp của bom (quảng cáo) đó là gì, có hấp dẫn không.
Hiện nay 1 số doanh nghiệp đang gặp sai lầm là đầu tư nhiều cho ngân sách quảng cáo mà ít đầu tư cho nội dung. Họ cứ nghĩ quảng cáo nhiều là tốt mà quên mất nội dung để đầu tư. Đó là lý do vì sao một mẩu quảng cáo hay chỉ phát vài lần vẫn được chú ý còn có những quảng cáo chạy hàng trăm lần cũng không hiệu quả.
Xây dựng thương hiệu một dự án bền vững là phải tạo được lòng tin tiêu dùng sản phẩm nơi khách hàng, sản phẩm bất động sản đó phải mang đến giá trị gia tăng theo thời gian cho người mua. Tất cả những điều này đều phải xây dựng trên cơ sở chất lượng dự án và cái tâm của chủ đầu tư.
Còn việc sử dụng người nổi tiếng để làm thương hiệu thì sao, thưa ông?
– Đây là một cách làm hay. Người nổi tiếng là những người có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng và có tác động tích cực đến khách hàng mục tiêu.
Trên thị trường có nhiều doanh nghiệp chọn cách làm này như Tập đoàn Novaland với người mẫu – MC Bình Minh và diva Mỹ Linh, Công ty Nhà Gia Hòa tặng căn hộ cho kình ngư Ánh Viên, Công ty Hưng Thịnh mời ông Lê Thành Ân – Nguyên Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp.HCM làm cố vấn quan hệ quốc tế cho công ty. Hay trước đó, nữ MC hải ngoại Nguyễn Cao Kỳ Duyên cũng trở thành đại sứ thương hiệu của công ty này,…
Tuy nhiên, phải biết lựa chọn người đó là ai. Bởi, nếu thương hiệu cá nhân bị ảnh hưởng thì ngân sách làm truyền thông thương hiệu của mình trước đó cũng bị vạ lây.
Những dự án có thương hiệu sẽ dễ dàng được thị trường đón nhận
Vậy trong trường hợp xảy ra sự cố rủi ro, chủ đầu tư nên làm gì để xử lý khủng hoảng và bảo vệ thương hiệu?
– Đã gọi là rủi ro thì có những điều không biết trước được. Do đó, ưu tiên cần tính đến là phương án dự phòng.
Về đại sứ thương hiệu, nên đánh giá kỹ uy tín nhân vật đó. Mặt khác, nếu có tiền thì đừng chọn 1 người. Có nghĩa là có thể chọn một ca sĩ, một kiến trúc sư hay một vận động viên,… miễn là phù hợp với định vị thương hiệu dự án. Khi đó nếu 1 trong những người này có sự cố thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu.
Trường hợp đã đã xảy ra khủng hoảng thì cần lập ban xử lý khủng hoảng, chủ động công bố thông tin để làm rõ câu chuyện của mình và sẵn sàng nhận trách nhiệm. Đừng cố bảo vệ hình ảnh của mình bằng mọi giá có khi phản tác dụng. Tốt nhất là giải quyết sự việc một cách nhanh nhất mà không cần đến bên thứ 3 (tòa án).
Mới đây, thông tin về việc ca sĩ Thu Minh mua nhà tại dự án của Công ty C.T Phương Nam và xẩy ra lùm xùm kiện cáo với chủ đầu tư. Ở góc độ một người làm thương hiệu, ông đánh giá như thế nào?
– Tôi nghĩ, trong chuyện này chưa biết ai đúng sai nhưng nếu chủ đầu tư rõ ràng ngay từ đầu thì mọi thứ có thể đã khác. Nếu đã là khách hàng bình thường thì các điều khoản trong hợp đồng đó phải giống với những khách hàng khác. Nếu có những ưu đãi đặc biệt hơn thì nên để ra ở văn bản thỏa thuận riêng kèm theo. Thực tế là khi biết thông tin về sự việc chắc chắn nhiều khách hàng khác, trừ Thu Minh sẽ buồn và thắc mắc.
Thời buổi này, truyền thông mạng có sức mạnh lan truyền rất lớn. Để xảy ra khủng hoảng về sau gỡ bỏ và xử lí hậu quả rất khó. Lòng tin của khách hàng và quyết định chọn mua nhà tại dự án đó về sau có phần ảnh hưởng.
Hiện nay có một số ý kiến cho rằng họ bị loạn thông tin khi đi mua nhà vì các công ty môi giới thường đưa những thông tin sai lệch về sản phẩm. Ông nghĩ sao về điều này và có lời khuyên gì cho họ?
– Đây là vấn đề từng xảy ra ở nhiều dự án và điều này có phần gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu dự án. Để tránh xảy ra tình trạng này, chủ đầu tư cũng như sàn giao dịch, bộ phận bán hàng phải quán triệt thống nhất trước khi tung sản phẩm ra thị trường để đảm bảo thông tin chính xác và trung thực khi đến khách hàng.
Còn về phía người mua, phải sáng suốt trong điều kiện kinh doanh bất động sản tại Việt Nam hiện nay nhiều chủ đầu tư còn bán hàng qua sàn giao dịch. Khi mua nhà dự án nào đó, có thể tìm hiểu thông tin qua nhân viên bán hàng của các công ty môi giới. Mặt khác, cần kiểm tra lại thông tin trực tiếp qua số điện thoại phòng kinh doanh chủ đầu tư để nắm rõ thông tin.
Xin chân thành cám ơn ông.