Văn hoá doanh nghiệp: Đừng hô hào, lý thuyết suông
Văn hóa doanh nghiệp: Đừng hô hào, lý thuyết suông
Văn hóa luôn hình thành song song với quá trình phát triển của doanh nghiệp và bắt đầu từ tư tưởng của người lãnh đạo, được tập thể công ty đón nhận, tuân thủ. Cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm, giá trị của doanh nghiệp. Do vậy, có thể xem văn hóa là linh hồn và là tài sản vô hình vô giá của doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp không phải là cái gì to tát mà thường bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất. Ảnh: TL |
Việc làm nhỏ, ảnh hưởng lớn
Ở các tập đoàn, công ty lớn, văn hóa giúp người lãnh đạo điều phối và kiểm soát hành vi của nhân viên bằng các quy trình, quy định, chuẩn mực. Không chỉ vậy, việc xây dựng văn hóa còn giúp doanh nghiệp gắn kết đội ngũ, giảm xung đột nội bộ, tạo động lực làm việc và gia tăng tính cạnh tranh…
Có 3 mối quan hệ cơ bản trong văn hóa doanh nghiệp, đó là đối nội, đối ngoại và với khách hàng. Các doanh nghiệp thành công thường có cách ứng xử đẹp với nội bộ, khách hàng, đối tác và cộng đồng. Và đây chính là bản sắc riêng góp phần tạo nên uy tín thương hiệu.
Trên thực tế, văn hóa luôn tồn tại khách quan và doanh nghiệp nào cũng có văn hóa của riêng mình. Chỉ có điều văn hóa ấy được thể hiện như thế nào và doanh nghiệp có biết cách chắt lọc, giữ gìn và phát huy hay không.
Văn hóa doanh nghiệp không phải là cái gì to tát mà thường bắt nguồn từ những gì nhỏ nhất, cụ thể nhất, không hô hào chung chung. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Bột giặt Lix quy định rất chi tiết về hành vi ứng xử: quy tắc khi giao tiếp điện thoại, cách bắt tay – giới thiệu trong giao tiếp, trang phục nơi công sở, tác phong khi làm việc, cách giao tiếp khi dự tiệc… Nói đến Lix là nói đến văn hóa 5T: trung thực, trung thành, tôn trọng, tận tâm, tin tưởng. Tất cả được biên soạn, thiết kế rất bắt mắt trong cuốn Sổ tay văn hóa của công ty và góp phần tạo nên cái “gen” của người Lix.
Ở Tập đoàn Thủy sản Vĩnh Hoàn, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ lòng biết ơn. Biết ơn con cá tra, biết ơn dòng sông Mê Kông trù phú hiền hòa, biết ơn người nuôi cá, biết ơn đấng sinh thành, biết ơn người đi trước, biết ơn đối tác – khách hàng, biết ơn đồng nghiệp… Lòng biết ơn ấy được khơi nguồn từ nữ Chủ tịch HĐQT đáng kính Trương Thị Lệ Khanh. Bà đã truyền lửa cho nhân viên bằng những việc làm thường xuyên và ấm áp như thả cá về lại dòng sông, tri ân các đấng sinh thành của nhân viên… Hơn ai hết, bà mong muốn lòng biết ơn sẽ là bản sắc riêng của văn hóa Vĩnh Hoàn.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không đơn thuần là liệt kê ra các giá trị mình mong muốn mà đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các thành viên và sự khởi xướng, cổ vũ, động viên của lãnh đạo. Khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ban lãnh đạo Saigon Food luôn đề cao chữ Tâm.
Nói cách khác, Saigon Food lấy chữ Tâm làm trung tâm văn hóa. Và chữ Tâm ấy được “diễn giải” bằng giá trị cốt lõi 5C: Cam kết (nói thật, làm thật với trách nhiệm cao nhất), Chia sẻ (sẵn sàng cho đi để đón nhận hạnh phúc), Chân tình (hành động bằng tất cả tấm lòng), Cải tiến (cải tiến liên tục và sáng tạo không ngừng), Chuyên nghiệp (suy nghĩ và hành động tích cực, hướng đến hiệu quả).
Đầu tư xây dựng bản sắc riêng cho doanh nghiệp
Tại Việt Nam, cho đến nay việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp vẫn chỉ mới một ít doanh nghiệp áp dụng và chưa được đầu tư bài bản. Nói một cách chính xác hơn là các chủ doanh nghiệp đã nghĩ tới nhưng còn khá lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu.
Có 3 mối quan hệ cơ bản trong văn hóa doanh nghiệp, đó là đối nội, đối ngoại và với khách hàng. Các doanh nghiệp thành công thường có cách ứng xử đẹp với nội bộ, khách hàng, đối tác và cộng đồng. Và đây chính là bản sắc riêng góp phần tạo nên uy tín thương hiệu.
Có rất nhiều công ty tư vấn xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu doanh nghiệp thật sự mong muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì sẽ không khó để làm việc với các chuyên gia, doanh nghiệp đi trước có kinh nghiệm. Quan trọng là doanh nghiệp muốn làm hay không. Nếu làm, doanh nghiệp phải xem đó là khoản đầu tư xứng đáng.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tân – Giám đốc Chiến lược Công ty Tư vấn BrainMark thì quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp thường trải qua 8 bước: soạn lập hệ tư tưởng công ty, soạn lập sổ tay văn hóa, chụp hình đội ngũ, thiết kế sổ tay văn hóa, quay video các phần nội dung chính, huấn luyện, lập kế hoạch truyền thông và đánh giá tuân thủ.
Ông Tân nhấn mạnh: “Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phụ thuộc vào mong muốn, tầm nhìn và quyết tâm của người đứng đầu. Tuy nhiên mong muốn ấy chỉ trở thành hiện thực khi nhân viên hiểu, thấm và làm theo. Chính vì vậy, khâu quan trọng nhất trong cả hành trình xây dựng là huấn luyện văn hóa”.
Có thể nói, cốt lõi của văn hóa chính là giá trị của doanh nghiệp. Xây dựng môi trường làm việc hiệu quả chính là cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững. Mỗi quốc gia đều có bản sắc văn hóa riêng. Doanh nghiệp cũng vậy.
Nguyễn Kim
Nguồn: doanhnhantrevn.vn