BrainMark > Chiến lược kinh doanh phải xuyên suốt từ công ty xuống nhân viên

Chiến lược kinh doanh phải xuyên suốt từ công ty xuống nhân viên

Chiến lược kinh doanh phải xuyên suốt từ công ty xuống nhân viên 

CHIẾN LƯỢC KINH DOANH ĐƯỢC VÍ NHƯ XƯƠNG SỐNG CỦA MỘT DOANH NGHIỆP (DN). CHIẾN LƯỢC NÀY CỦA CÁC TẬP ĐOÀN, CÔNG TY LỚN LUÔN THỂ HIỆN QUA VIỆC LẬP KẾ HOẠCH KINH DOANH HẰNG NĂM (AOP – ANNUAL OPERATING PLAN)

Có thể nói, bất cứ DN nào, dù quy mô lớn hay nhỏ, muốn tồn tại và phát triển đều phải có AOP, công cụ quan trọng nhằm định hướng mục tiêu, chiến lược thực hiện, kế hoạch hành động, kế hoạch ngân sách, kế hoạch định biên nhân sự… cho năm kinh doanh tiếp theo của mỗi DN.

Theo một số chuyên gia tư vấn kinh doanh, hiện nay vẫn có khá nhiều DN còn lúng túng trong quá trình xây dựng AOP, không phải DN nào cũng  biết cách xây dựng AOP đúng phương pháp. Hậu quả là các mục tiêu, kế hoạch không gắn kết với nhau, mạnh ai nấy chạy, dẫn tới thực trạng phòng, ban nào cũng đạt mục tiêu, kế hoạch đặt ra, nhưng công ty lại không đạt.

Thực tế cho thấy, AOP không phải là công việc riêng của ban lãnh đạo DN. Theo kinh nghiệm tư vấn cho hàng loạt DN như Đồng Tâm Group, Saigon Food, TST Tourist, Tổng công ty Fico, bia Dung Quất… của Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tân – Giám đốc Chiến lược BrainMark, cái hay nhất của AOP là sự liên kết các mục tiêu nhỏ để hoàn thành mục tiêu lớn. Mỗi công ty, phòng ban đều có nhiều mục tiêu, nhưng nguồn lực luôn có giới hạn. Chính vì vậy, việc chọn lựa mục tiêu cần ưu tiên là vô cùng quan trọng và AOP sẽ giúp công ty, từng phòng ban nhận diện rõ mục tiêu cần ưu tiên ấy.

Để tồn tại trên thương trường ngày càng khắc nghiệt, bắt buộc DN phải nhận diện rõ khách hàng mục tiêu, lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp, có giải pháp về mọi nguồn lực để thực thi chiến lược. Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tân, làm AOP là cách tốt nhất để DN gắn kết các phòng, ban với nhau trong hành trình thực hiện mục tiêu, kế hoạch hằng năm. Qua đó, DN sẽ nâng cao năng lực của đội ngũ, đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của công ty và từng phòng, ban.

Với những tập đoàn, công ty lớn, ngày 1/10 hàng năm thường là lúc tổng giám đốc ra thông báo về việc triển khai AOP, thậm chí có DN còn làm sớm hơn. Sau khi lựa chọn thông điệp của năm, ban tổng giám đốc sẽ ngồi lại với lãnh đạo các công ty thành viên cùng phân tích kết quả kinh doanh của năm trước và rút kinh nghiệm. Qúa trình này bắt buộc phải có sự tham gia của bộ phận tài chính- kế toán trong việc phân tích số liệu. Từ đó, ban tổng giám đốc cùng đánh giá điểm mạnh- điểm yếu, cơ hội- thách thức (phân tích SWOT), thiết lập định hướng chiến lược, cụ thể định hướng chiến lược thành mục tiêu và phân bổ mục tiêu xuống từng công ty con.

Tiếp theo, giám đốc các công ty thành viên sẽ chịu trách nhiệm phân tích SWOT, xác định mục tiêu của đơn vị mình nhằm đáp ứng mục tiêu của tập đoàn, phân bổ mục tiêu cho các phòng ban và nhân viên. Đến đây, từng công ty con phải tự phát thảo chiến lược hành động, đo lường mục tiêu, chỉ tiêu (OGSM), làm cơ sở cho việc xây dựng giải pháp thực hiện, chuẩn hóa cơ cấu tổ chức, định biên nhân sự, dự trù quỹ lương,…

Thông thường, trong quá trình lập AOP, DN cũng sẽ dự kiến được lãi, lỗ cho năm tới. Thương trường luôn biến động nên việc lên kế hoạch dự phòng, xây dựng KPI (công cụ đo lường hiệu quả công việc) cho năm cũng là những bước không thể thiếu trong quá trình lập AOP. Các bước còn lại là giám đốc các công ty con phải trình bày kế hoạch kinh doanh trước ban tổng giám đốc. Sau đó, ban tổng giám đốc xem xét, duyệt kế hoạch AOP và phân phối kế hoạch đó cho từng đơn vị thực thi.

Quản trị DN trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay vốn rất nhọc nhằn, phức tạp. Trước vô vàn sóng gió đang bủa vây, việc kiên định với mục tiêu kinh doanh là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nếu AOP được lập và triển khai đúng cách thì sẽ giúp DN bám sát mục tiêu và thực hiện nó một cách đồng bộ, quyết liệt và khoa học.

Hơn ai hết, người quan trọng nhất và cũng là người cầm trịch trong suốt quá trình xây dựng, triển khai AOP chính là người đứng đầu DN. Tầm nhìn, sự sáng suốt trong lựa chọn chiến lược kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo, tinh thần quyết đoán của người cầm lái… sẽ quyết định hướng đi và điểm đến của mỗi DN.

NGUYỄN PHẠM

Nguồn: DNSG số 555 ngày 25/9/2019